Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Kinh tế bao cấp kéo dài khoảng 10 năm (1975- 1986), giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của nền kinh tế nước nhà trong chừng ấy thời gian đã để lại cho đất nước một bộ phận không nhỏ nguồn nhân lực trì trệ cả về tư duy lẫn hành động trước những đòi hỏi của thực tiễn phát triển.



Hệ lụy của nó - tư duy làm công ăn lương, ăn xổi ở thì, tham ô, hối lộ, vơ vét của công... xem ra còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và nhiều nguồn lực để chấn chỉnh, cải thiện.

Giai đoạn có thể được xem là thời kỳ phát triển tốt nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua là từ năm 2005- 2010. Nhưng hóa ra, đây lại là giai đoạn nền kinh tế phát triển quá nóng, theo kiểu bong bóng, thiếu thực chất. Hậu quả là đến năm 2011-2012, nền kinh tế phải đối mặt với sự chao đảo của thị trường tài chính, nợ xấu chồng chất, bất động sản đóng băng, sản xuất trì trệ, thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng, tăng trưởng tín dụng âm, nguy cơ lạm phát cao, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, nhiều đại gia một thời giờ kiệt quệ, bị bắt, thậm chí bị bỏ tù.

Sức nóng ảo của nền kinh tế dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nảy sinh những hệ lụy khôn lường: tâm lý chuộng bằng cấp, đánh giá năng lực nhân sự vội vàng, thiếu chính xác, các doanh nghiệp do có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực đã tìm mọi cách để cạnh tranh, thu hút, tâng bốc giá trị không thực của nguồn nhân lực, bố trí công việc, bổ nhiệm, ban tặng quá dễ dãi những chức danh đao to búa lớn, vượt lên cả qui mô hiện hữu và nhu cầu sản xuất kinh doanh thực tế của mình. Tất cả những điều này đã đẩy cái tôi của triệu triệu người lao động Việt Nam lên đến mức không thể chịu nổi.

Tại diễn đàn "Quản trị nguồn nhân lực trong giai đoạn khó khăn" được tổ chức vào ngày 28/3/2012 vừa qua tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội cho rằng "khả năng chống đỡ của nền kinh tế Việt Nam rất kém vì nguồn nhân lực không vững vàng".

Sự “không vững vàng” có lẽ không chỉ nằm ở nền giáo dục, ở năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn..., mà còn trong cả thái độ và hậu quả của sự nuông chiều thái quá của một bộ phận các ông chủ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chỉ biết chăm chăm vào lợi nhuận, vào những giá trị hữu hình mà quên đi một trong những vai trò vô cùng cần thiết, rất ý nghĩa, đó là chăm sóc, đào tạo, hướng dẫn và phát triển nhân sự; trước mắt là tại đơn vị, doanh nghiệp mình, và sâu xa hơn là góp phần xây dựng nguồn nhân lực có đủ tâm, đủ tài cho cả xã hội.

Thủ tướng Chính phủ ngày 19/2/2013 đã ký phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020, với nhận định “Việt Nam rất cần một tầm nhìn, một công cuộc cải tổ và chiến lược gắn đầy đủ nhất với mục đích phát triển bền vững”.

Nỗ lực hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững có lẽ sẽ khó đạt được nếu chính cộng đồng doanh nghiệp, chính mỗi người lao động không ý thức đầy đủ được trách nhiệm, vai trò và giá trị thực thụ của mình trong mối quan hệ hữu cơ của toàn bộ nền kinh tế.

Theo tailieunhansu.com

0 nhận xét :

Đăng nhận xét