Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Năm Nhâm Tuất (1442) Khi viết về mục đích các khoa thi nho học, trong bài văn bia này, Tiến sỹ Thân Nhân Trung đã nêu bật được tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với việc hưng thịnh của đất nước:

"...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết..."

Với truyền thống đề cao và trọng dụng hiền tài đã có hàng ngàn năm nay của dân tộc ta, có hiền tài cùng sức mạnh đoàn kết của dân tộc mà đất nước vẫn trường tồn, nền độc lập được giữ vững, bờ cõi được giữ yên trước bao cuộc xâm lăng của giặc giã, lịch sử đã ghi danh các vị anh hùng dân tộc từ Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… cho đến thời đại Hồ Chí Minh với hàng vạn anh hùng, nhân sỹ, trí thức. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng, hiện đại hóa đất nước thì yếu tố con người và đặc biệt là nhân tài luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội.

Đất nước ta đã 25 năm đổi mới, đã có được những thành tựu vô cùng to lớn, từ một nước nông nghiệp lạc hậu theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp đã chuyển sang kinh tế thị trường, chuyển dịch từ cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, hòa nhập với nền kinh tế thế giới, đã có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập tham gia vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài nở rộ với hàng ngàn doanh nghiệp thuộc hàng chục quốc gia trên thế giới và vùng lãnh thổ đến đầu tư tại Việt Nam với vốn đầu tư ngày càng tăng, có những dự án đến vài tỷ USD, trong đó có cả những tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới như Toyota,Honda, GE, Huyndai, Microsoft… Hàng triệu người lao động đã được tuyển dụng và tham gia vào các hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong khối kinh tế tư nhân, hàng vạn cán bộ đã trưởng thành và tham gia vào bộ máy quản lý doanh nghiệp, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

alt

Với việc ngày càng gia tăng số lượng các doanh nghiệp trong nước qua việc thành lập mới, cũng như hàng vạn các dự án mở rộng của mọi loại hình doanh nghiệp từ DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động mỗi năm, đưa GDP của Việtnhân sựNam tăng cao, trở thành nước có thu nhập ở mức TB trên thế giới. Đó là điều mà mỗi người dân nước Việt rất tự hào, mở ra nhiều cơ hội mới cho đất nước, cho mỗi gia đình, mỗi người lao động. Cộng đồng Doanh nhân Việt ngày càng phát triển với những tên tuổi lớn như Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An), Trần Bá Dương (Ôtô Trường Hải), Đặng Lê Nguyên Vũ (Cà phê Trung Nguyên), Trương Gia Bình (FPT)…tiếp bước và xứng danh với các bậc doanh nhân tiền bối như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô…

Tuy nhiên, do hầu hết các DN Việt Nam vẫn là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nhiều DN theo mô hình gia đình, giá trị doanh nghiệp và giá trị đầu tư còn thấp, sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn rời rạc, tầm nhìn chiến lược và tư duy hội nhập còn hạn chế, đặc biệt là tầm nhìn dài hạn, nên những vấn đề như hoạch định chiến lược DN còn mang tính thời điểm, ngắn hạn, đầu tư thấp, không đồng bộ, đặc biệt là đầu tư cho yếu tố con người, hay nói cụ thể là đầu tư cho lực lượng lao động trong doanh nghiệp.

Con người là vốn quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp – hơn lúc nào hết, câu nói này càng có giá trị và ý nghĩa khi nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập toàn cầu một cách mạnh mẽ, tính chất cạnh tranh của nền kinh tế thị trường ngày càng găy gắt, thì yếu tố con người ngày càng là nền tảng và trọng yếu nhất trong mỗi tổ chức, đặc biệt là mỗi doanh nghiệp. Nó đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có cách tiếp cận mới về việc tuyển dụng và sử dụng lao động mà cốt lõi là tuyển và dụng nhân tài. Mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược về nhân sự tốt, coi đó là trọng yếu và tiên quyết, nếu không muốn doanh nghiệp mình trở lên lạc hậu với thời cuộc, mất lợi thế cạnh tranh, mất dần thị trường và có nguy cơ phá sản, và sự phá sản trở lên thực tế hơn khi lại có những cơn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra và tràn vào như khủng hoảng kinh tế đã xảy ra từ giữa năm 2009 vừa qua (đến nay đang dần hồi phục).

Việc thu hút và sử dụng nhân tài luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với tất cả các doanh nghiệp và doanh nhân, bởi hơn bao giờ hết, sức mạnh cạnh tranh của Doanh nghiệp chính là có được nguồn nhân lực tốt, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập,có tính cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn khủng khoảng kinh tế thế giới vừa qua, có nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu, lâm vào hoàn cảnh khó khăn mà nguyên nhân chủ đạo vẫn là thiếu hoặc yếu tầm hoạch định các nguồn lực trong doanh nghiệp trong đó quan trọng nhất là nguồn nhân lực.

Chiến lược nhân sự không phải là một thuật ngữ xa xỉ chỉ cần đến đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất kinh doanh đa lĩnh vực, đa địa phương mà cho tất cả các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp quy mô gia đình, phải coi đó là một phần quan trọng nhất của chiến lược kinh doanh, thực chất của chiến lược này thể hiện hóa bằng các hành động rất cụ thể như:

- Hiểu và đánh giá sâu sắc vai trò của con người (lực lượng lao động) trong doanh nghiệp; coi đó là yếu tố then chốt cần quan tâm và đầu tư nhất;
- Hiểu và đánh giá đúng về vai trò của những cán bộ làm công tác tổ chức nhân sự của doanh nghiệp (vai trò đối với tổ chức, tính chất nghề nghiệp..) Để qua đó cũng tuyển và sử dụng được những cán bộ nhân sự vừa có năng lực chuyên môn và phẩm chất tốt, có tâm và yêu nghề;
- Hiểu và xác định rõ những thuận lợi và khó khăn mà các cán bộ nhân sự trong DN mình đang gặp phải, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để kịp thời động viên, khuyến khích và hỗ trợ họ;
- Xác định rõ sự liên kết mật thiết, logic giữa chiến lược phát triển các hoạt động sản xuất – kinh doanh với chiến lược nhân sự; giữa chiến lược nhân sự với các chiến lược khác như đầu tư, tài chính…
- Có tầm nhìn tốt, dự đoán các thay đổi về thị trường lao động, chính sách nhà nước về lĩnh vực lao động, sự thay đổi khách quan và chủ quan của nghành nghề doanh nghiệp đang sản xuất - kinh doanh, xu thế cạnh tranh để đưa ra biện pháp ứng phó,xử lý nhất là công tác quản trị doanh nghiệp, công tác nhân sự;
- Xác định và có kế hoạch trong các hoạt động nhân sự như cơ cấu bộ máy tổ chức, định biên nhân sự, tuyển dụng, sử dụng nhân sự..;
- Có kế hoạch và có ngân sách cụ thể, rõ ràng trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cần có sự đầu tư thích đáng cho công tác này, đặc biệt cần có sự chuẩn bị về nguồn lực và nhân sự kế cận, nhất là nhân sự làm công tác quản lý;
- Cần ban hành và thực thi hệ thống đánh giá nhân sự, chế độ đãi ngộ cho cán bộ nhân viên, chế độ thu hút và sử dụng nhân tài, bố trí cán bộ, đặc biệt cũng cần quan tâm đến đời sống tinh thần, hoạt động cộng đồng xã hội của người lao động;
- Ban hành các chính sách, nội quy quy chế gắn sát với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc thù của doanh nghiệp, phù hợp với xu thế và thị trường lao động;
- Đưa ra chính sách thi đua khen thưởng và kỷ luật hợp tình, hợp lý và hợp pháp;
- Cần có chính sách và quy định về phân cấp, phân quyền, quy định rõ chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các cấp quản lý, các phòng ban/ đơn vị;
- Có kế hoạch và triển khai tốt việc xây dựng hệ thống, quy trình quản trị trong DN; mạnh dạn áp dụng và triển khai nghiêm túc quy trình quản lý tiên tiến như ISO, 5S,…
- Đặc biệt xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp, coi đó là bản sắc của doanh nghiệp, là cốt lõi thu hút nhân tài, tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển của doanh nghiệp; văn hóa doanh nghiệp phải được thấm sâu trong tất cả mọi người mà các cấp lãnh đạo, quản lý phải là người tiên phong, tránh để trong doanh nghiệp tồn tại “ lực đẩy” kết hợp với “ lực hút” từ thị trường lao động bên ngoài lấy mất nhân viên.

Nguồn nhân lực ngày nay còn được gọi như là Human Resources Capital (tạm dịch là Vốn nguồn nhân lực, hay nguồn vốn nhân lực) – thuật ngữ này rất đúng trong bối cảnh ngày nay khi DN nào có được nguồn lực tốt nhất sẽ dành được cơ hội tốt nhất- Vốn nhân lực là loại vốn đặc biệt cần thiết như vốn tài chính, do vậy cần phải khai thác và sử dụng tốt nhất, tránh thất thoát, lãnh phí và phải luôn được đầu tư, gia tăng giá trị

Có nhiều chủ doanh nghiệp vẫn than rằng “sao người thì nhiều mà sao khó tuyển được người làm được việc thế!”. Đó là một thực tế mà mỗi doanh nghiệp cần phải đối mặt và thừa nhận, nhất là tuyển được nhân tài, “ nhân tài như lá mùa thu”, thời nào cũng thế, nhưng thay vì than trách, hãy bắt đầu từ việc hoạch định và triển khai tốt chiến lược nhân sự, mạnh dạn tuyển dụng lao đông trẻ, thậm chí chưa có nghề để đào tạo họ, rồi “ đất lành chim sẽ đậu”, nhưng tuyển đã khó,sử dụng còn khó hơn, giữ nhân sự lại càng khó. Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi lãnh đạo doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác nhân sự trong doanh nghiệp luôn phải trăn trở, suy nghĩ để đưa ra phương án hiệu quả và kịp thời. Hãy bắt đầu từ chiến lược nhân sự, hãy bắt đầu từ con người, hãy bắt đầu từ nội bộ trong mỗi doanh nghiệp.

Kỷ Yếu Ngày Nhân Sự Việt Nam - Vietnam HRDay

Tác giả: Mr. Nguyễn Việt Thung - Phó tổng Giám đốc TMS Group

0 nhận xét :

Đăng nhận xét